1.Tư duy cạnh tranh là tư duy dám nhận trách nhiệm, dám thấy mình là chủ thể quan trọng nhất đối với sự thành bại của mình, doanh nghiệp mình, chứ không phải tư duy cạnh tranh là nhìn đối thủ, ghanh tị, so kè, đổ thừa khi thất bại. Kiểu con gà tức nhau tiếng gáy.
Thực lực đến từ bên trong – năng lực nội tại của mỗi chúng ta. Khi ta có năng lực nội tại thì ta nhìn thành quả của người khác (đối thủ), trong một tư thế tự tin, công bằng và vui thích.
Vui thích vì thấy cái hay và cái dở của đối thủ. Lấy cái hay làm thách thức để vượt qua, thấy cái dở không phải để chê mà để rút ra bài học cho mình. Không chê vì biết có cái khó trong đó, mình làm cũng mắc lỗi đó thôi. Đối thủ vì thế là ông thầy, người bạn, chứ không phải kẻ thù, hay đối tượng cho ta ghanh ghét.
Nhiều nơi, sếp cứ nghe ai nói, hay thấy đối thủ làm gì là lo lắng, là lồng lộn lên. Sao vậy? Vì không có thực lực, chẳng có chiến lược, nên thấy ai làm gì thì cũng sợ. Còn biết đường mình đi, thằng khác làm gì kệ nó!
Đất trời bao la, thị trường rộng lớn, hà cớ gì cứ nghĩ rằng người ta ăn hết phần của mình. Nói thật chẳng ai ăn hết được phần của mình, chỉ là mình chẳng có cái chi mô hay ho cả nên khách hàng mới theo đối thủ thôi, còn nếu mình ngon lành cành đào thì có gì mà sợ?
2.Người không có thực lực thì thường phải đi xí phần, sợ hãi đủ thứ, có cái gì thì giữ cho thật chặt chỉ sợ mất. Lấy ví dụ, có bạn hỏi mình thầy cứ post bài giảng của thầy lên mạng, hay cho sinh viên file slide, mà không sợ bị người khác chôm chỉa hả? Mình nói: có gì mà sợ, nếu ai đó chỉ cần bài giảng của mình mà giảng hay hơn mình, các nơi vì thế không mời mình nữa thì cũng quá xứng đáng. Vì như thế bản chất là mình chẳng có cái gì đáng giá cả, và nếu chỉ đáng giá ở vài trang slide đó thì mình cũng chỉ đáng để được trả cái giá rất thấp của thị trường. Lợi thế cạnh tranh đâu nằm ở mấy cái nhỏ nhoi đó. Nó nằm ở tri thức, ở năng lực nội tại của mình, mà không ai thay thế được chứ? Làm được thế thì sợ gì cạnh tranh? Thích nữa là khác.
3.Nói thế không phải là không quan sát đối thủ, nhưng mà quan sát với tâm thế tự tin, dù mình rất nhỏ so với đối thủ nhưng mình lớn trong tư cách, trong cách hành xử. Dù nhỏ không đi xin, cũng không nghĩ mình sẽ luôn kém đối thủ, cũng không nghĩ mình sẽ không làm được như họ.
Tuy nhiên cũng đừng đẩy khái niệm tự tin này lên thành tự ti – nghĩa là cứ phải cố nói rằng Anh A, chị B, công ty C không là gì cả, mình nghèo nhưng mình không sợ…Tự tịn là từ bên trong, tự mình yên tâm, không phải hô hào.
Thắng cái thằng bạn trong cái lớp bé bằng cái kẹo đã tưởng to, ra đời mênh mông, mới biết anh tài, nha!