Người xởi lởi trời gởi của cho

 Mình cứ nhớ mãi câu này “người xởi lởi trời gởi của cho, người so đo trời gò của lại”. Ngẫm, thấy rất chính xác.

Người so đo là người hay tính toán thiệt hơn, chỉ làm cái gì lợi mình, tránh cái gì có thể thiệt hại đôi chút về phía mình (mà có thể có lợi ích với bạn bè, hay tập thể). So đo khác với tiết kiệm. Người tiết kiệm dùng tiền đúng chỗ, không hoang phí, biết lợi mình, lợi người. So đo chỉ chú ý đến lợi ích của mình.


Nhưng mà lý do nào mà một cá nhân phải chú ý đến lợi ích của người khác? Nhất là khi sự chú ý đó lại có thể làm thiệt hại quyền lợi của họ? (Ít nhất là họ nghĩ thế)

close-up photo of assorted coins

Mình thỉnh thoảng gặp cách nghĩ sau trong công việc: trả lương nhiêu đó thì làm nhiêu đó – làm thêm có được trả ngoài giờ không? Đam mê mà không có tiền thì sao mà sống?

Vẫn đồng ý rằng các câu hỏi trên vẫn có ý nghĩa đối với nhà quản trị, khi sự tưởng thưởng phải đi kèm kết quả. Nhưng ở đây mình muốn bàn tới hệ quả mà cách nghĩ này mang lại cho các bạn trẻ.

Khi làm việc gì, mà nghĩ đến lương và chờ đến hết giờ làm thì thường rất khó đạt được sự thăng hoa trong công việc. Vì sao? Vì hầu hết thời gian lo tính toán, so đo, sân si, coi được trả bao nhiêu, coi hết giờ chưa, rồi lo tức tối so bì với sếp, với đồng nghiệp. Còn người không so đo thì toàn bộ thời gian, năng lượng tập trung giải quyết công việc nên sớm muộn cũng có sự thăng hoa trong sự nghiệp.

Lại có bạn bảo nhưng mà người ta trả không xứng đáng, em có cố gắng, có thăng hoa, có kết quả tốt, em cũng có được gì đâu? Sai rồi, cái được lớn nhất chính là em có thể làm được những công việc đạt điềm 10 (xuất sắc), thay vì chỉ đạt điểm 5 (trung bình). Thói quen làm điểm 5, cũng như thói quen điểm 10, sẽ theo bạn suốt đời. Người so đo vì thế sẽ chỉ có kết quả so đo. Người xởi lởi vì thế sẽ có kết quả vượt mong đợi.

Cứ hỏi các ông sếp thành đạt, họ sẽ bổ nhiệm ai để kế nhiệm? Những người sởi lởi không chỉ thành công trong công việc vì kết quả, mà còn vì họ không hẹp hòi, họ vì người khác, biết lo cho người khác, thế nên họ được cả nhân tâm. Được cả công việc và con người, sao chẳng thành danh?

Thế nên nhân gian nói: người xởi lởi trời gởi của cho…. Còn Thánh nhân nói: Bậc Thánh nhân không tích luỹ, càng giúp người càng giàu có, càng cho đi càng nhận lại nhiều hơn… Lão Tử nói (nôm na): Biển đổ ra trăm sông mà nước không bao giờ vơi, trăm sông đổ về biển mà nước không bao giờ tràn…


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn