Tản mạn về chuyện bị ghét và được ghét

 Trong khoảng thời gian mà mình suy nghĩ tiêu cực và không hiểu được mình thực sự muốn gì, mình đã hình thành một suy nghĩ mà nghe thì có vẻ đơn giản nhưng lại cứ khiến mình trăn trở mãi, đó chính là : "Tại sao mình lại ghét người khác ?".


Để trả lời câu hỏi này, mình bắt đầu lục lại ký ức tuổi thơ đã tạo ra mình ngày hôm nay. Lúc còn bé, việc phân ra giữa việc yêu và ghét không khó khi đó là khoản thời gian thế giới quan của chúng ta khá là nông, chưa có nhiều thứ thực sự ảnh hưởng và tác động đến chúng ta, nên khi đó, để châm chọc bạn, những người hàng xóm hay họ hàng sẽ đề cập đến việc bạn sẽ bị bỏ rơi như thế nào nếu như mẹ của bạn sinh ra em của bạn, hay chúng ta sẽ không được ăn cơm nếu như bạn không vâng lời bố mẹ. Mình khá chắc là 9/10 đứa trẻ bị trêu như thế sẽ rất ghét những người đã nói ra những trò đùa đó.
Khi lớn lên, chúng ta đã bắt đầu tới trường, nơi giúp chúng ta phát triển bộ não của chính mình và thu nạp kiến thức để hiểu hơn về cuộc sống cũng như tăng khả năng giao tiếp xã hội. Ngoài ra, bố mẹ cũng sẽ thủ thỉ vào tai chúng ta trước ngày đầu tiên chúng ta tới trường những điều tuyệt vời, khiến mọi đứa trẻ háo hức trong ngày đầu đến lớp.
Nhưng trường học thì cũng có this có that. Không phải ở đâu cũng sẽ có những cô giáo giống như mẹ hiền, hay không phải giáo trình giảng dạy nào cũng sẽ tạo ra hứng thú và đưa đến những điều thú vị cho học sinh. Điều đó có thay đổi hay không dựa rất nhiều vào yếu tố, nhưng dù học sinh giỏi hay học sinh trung bình, thì chúng ta cũng đã từng/ đang ghét hoặc không thích một giáo viên nào đó. Có thể vì tính cách, cách giảng dạy hay vì lối sống của họ.
Việc ghét bỏ ai đó hay bị ai đó ghét sẽ diễn ra cho tới lúc bạn đã đi làm, về hưu hay kể cả đến lúc bạn chết. Vậy lý do thực sự là gì ?
Nếu như bạn đang mong chờ việc mình sẽ giải thích sâu hơn về những chức năng trong bộ não để trả lời câu hỏi trên, thì xin lỗi, vì đã làm bạn thất vọng. Nhưng mình cũng sẽ không trả lời kiểu như chúng ta ghét người khác, chỉ đơn giản là vì chúng ta ghét, vì đối với mình, đó chưa bao giờ là câu trả lời thỏa đáng. Mình luôn tin, tất cả mọi thứ trên cuộc đời này đều có lý do, kể cả việc bạn đang ngồi đây và đọc bài viết này.
Theo mình, lý do chúng ta ghét bỏ ai đó hay thứ gì đó là vì chúng ảnh hưởng đến vùng an toàn hoặc kìm hãm sự phát triển của chúng ta. Việc định nghĩa thế nào là phát triển cũng tùy từng người, vì việc học một ngôn ngữ, tăng rank trong game hay luyện thêm skills trong thể thao cũng có thể gọi là phát triển. 
Quay trở lại với câu chuyện đến trường, dù trường mầm non, trường tiểu học hay trung học đều có một mục đích chính là bồi dưỡng ta thành những công dân có ích cho xã hội sau này, nhưng rõ ràng, chả ai sợ hay ghét việc đi học mẫu giáo, cũng chưa thực sự buồn phiền vì trường tiểu học, nhưng lại stress tột cùng vì những ngôi trường cấp 3 hay đại học. 
Có một tâm lý khá là sai lầm nhưng người lớn luôn dạy ta khi ta còn nhỏ đó chính là chúng ta sẽ luôn được mọi người yêu quý khi giúp đỡ và đối tốt với tất cả mọi người, và chúng ta không nên để người khác ghét mình. Nhưng xã hội không đơn giản như thế, khi mà việc bạn bạn trở thành một kẻ luôn cố làm hài lòng người khác không đồng nghĩa với việc bạn sẽ nhận lại điều mà bạn muốn.
Nói đến sự tác động của trường học, bạn có thể ghét bất cứ ai trong trường nếu như kẻ đó tác động đến vùng an toàn của bạn. Điều đó cũng góp phần tạo ra bạo lực học đường. Những nhóm người hay bị bắt nạt chủ yếu sẽ có 2 loại người :
Một là những bạn mọt sách luôn cố gắng đạt thành tích học tập thật tốt.
Hai là những bạn quá hiền lành và không bao giờ dám đưa ra chính kiến.
Điểm chung của 2 nhóm người trên là họ luôn sợ bị ghét. Họ sợ bố mẹ hay thầy cô thất vọng và ghét bỏ họ chỉ vì thành tích không tốt, lẫn việc họ nghĩ rằng chiều theo ý người khác sẽ khiến mọi người xem họ như một người cao cả và tốt bụng. 
Và nhóm đối lập với những người bị bắt nạt không ai khác chính là những kẻ bắt nạt. Dù biết không thể đua tranh về mặt trí tuệ, nhưng thay vì thừa nhận sự thua kém và cố gắng cải thiện, họ sẽ tạo một thứ riêng biệt, nó cũng là vùng khiến họ cảm thấy an toàn và là nơi họ có thể điều khiển được, đó là những băng nhóm. Đọc tới đây chắc bạn cũng hiểu vì sao những trùm trường luôn đánh phủ đầu những học sinh chuyển cấp, vì họ chẳng muốn nơi duy nhất mà khiến họ là chính mình cũng bị thằng khác chiếm lấy.
Không chỉ trong môi trường học đường, mà dù bất cứ ở đâu hay khi nào, ta luôn có vùng an toàn lẫn mục tiêu phát triển cho riêng mình. Và khi ta cảm thấy có sự nguy hiểm, ta sẽ quay sang ghét nó nếu như ta chưa tìm được cách giải quyết. Ví dụ : lúc đầu, bạn không quan tâm hay ghét bỏ gì Trần Đức Bo, nhưng việc lướt news feed và thấy toàn là mèo méo meo mèo meo, điều đó có thể khiến bạn phát điên và bạn sẽ quay sang ghét luôn cả kẻ đã tạo ra trò đùa đó, dù rõ ràng, bạn không biết cậu ta là ai và chưa hề tiếp xúc với cậu ta. Đơn giản là vì nó ảnh hưởng tới việc tạo nên tâm lý tiêu cực của bạn, nếu như bạn cho rằng những bài post đó là vô bổ và nhảm nhí.
Vậy nếu tôi ghét người khác không vì lý do gì thì sao ?
Đây là lúc bạn phải xác định cảm xúc thực sự của mình, vì trên đời không chỉ có yêu và ghét. Nó có thể là sự so sánh, đố kị, hoặc là khó chịu mà thôi. Đây cũng là mối quan hệ chính giữa chúng ta và bố mẹ, người yêu hay kể cả con cái của chúng ta sau này. Và đây chăc chắn không phải là việc dễ dàng, nhất là khi ở thời đại 4.0, cảm xúc cùa bạn có thể bị tác động bởi người khác.
Thay đổi góc nhìn về việc được ghét và bị ghét
Xã hội dù được phát triển bởi số đông, nhưng trong số đông đó có rất nhiều cá thể riêng biệt. Và khi lý tưởng riêng của chính mình bị tác động, chúng ta phải phán kháng lại, nó như là một hành động bảo vệ vùng an toàn của chính mình vậy. Đó là lý do chúng ta có sự tranh luận, nếu như chúng ta không bao giờ tranh luận, chúng ta sẽ không thể tiếp nhận kiến thức và có thêm góc nhìn mới. Nhưng trước khi đạt được một lượng kiến thức đủ lớn để có thể đặt mình vào người khác, ta bắt buộc phải đón nhận ý kiến trái chiều. 
Điều quan trọng ở đây là khi ta dám thừa nhận thiếu sót, ta mới đón nhận sự ghét bỏ một cách nhẹ nhàng và tích cực hơn, cũng như ghét bỏ người khác với một lý do chính đáng hơn. Nhưng nên nhớ, ghét bỏ không phải là công kích bạn nhé :)

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn