Thấy sao nói vậy, người ơi!

 

  1. Tĩnh và động

Khi nhìn 1 người, 1 sự vật, 1 hành động nên nhìn nó ở góc nhìn Động hay rõ hơn là nhìn nó trong sự vận động, liên kết, phát triển. Chứ không nên nhìn nó một cách cô lập, đứng yên.

Lấy ví dụ về câu hỏi: Làm từ thiện để làm gi? Để làm gì? Để làm gì? Người hỏi rất riết ráo truy bức. Có vẻ như người hỏi muốn tìm kỳ được MỘT đáp án cụ thể nào đó. Nhấn mạnh chữ MỘT. Có thể đáp án đó là: Vì bản thân người làm từ thiện.

Khi kỳ vọng MỘT đáp án duy nhất, nghĩa là người này nhìn hành động từ thiện trong 1 không gian rất cố định, 1 không gian TĨNH, một không gian bất động- không gian đó giả thiết rằng ai đó đi làm từ thiện họ chỉ có 1 động cơ và tôi muốn đi tìm động cơ đó bằng các câu hỏi riết ráo (thoạt trông nó có vẻ sắc sảo).

Tuy nhiên, nếu nhìn sự vật trong tính liên tục vận động của nó, như nó vốn là, thì ta sẽ thấy một sự thật khác. Giả thiết một người lần đầu tiên đi làm từ thiện vì bạn bè rủ, vì anh ta hiếu kỳ, vì anh ta cũng muốn thể hiện chút chút trên facebook. Lúc này động cơ của anh ta vì chính bản thân anh ta nhiều hơn. Nhưng khi anh ta thực hiện hành động từ thiện, anh ta thay đổi, anh ta cảm nhận được cái đẹp, cái nhân ái của hành vi đó. Lần 2, lần 3, và nhiều lần sau nữa anh ta đi, tham gia, tổ chức, vẫn có động cơ vì mình, nhưng vì mình ở đây là vì sự hoàn thiện bản thân mình thông qua sự cho đi. Cái vì mình đó đã quện với cái vì người. Càng đi nhiều cái vì mình nhỏ đi, vì người lớn lên. Đây chính là góc nhìn mang tính vận động, hợp quy luật phát triển. Nếu có góc nhìn này không gian tư duy, tranh luận sẽ rộng rãi, rõ ràng hơn rất nhiều.

  1. Hình thức và nội dung

Các nhóm từ thiện có vẻ cũng phân hoá, bất đồng trong góc nhìn của họ về từ thiện. Một nhóm bạn trẻ kể về hoạt động của nhóm họ với những hoạt động mang tính tinh thần và hướng đến 1 hoàn cảnh cụ thể, ví dụ làm sinh nhật cho 1 em bé tật nguyền, bị bệnh nan y. Thì ngay lập tức họ bị phản đối vì: đi hàng trăm km chỉ để tổ chức 1 tiệc sinh nhật cho 1 hoàn cảnh? Và “nếu là tôi thì tôi vẫn chọn làm cái gì đó thiết thực và cho nhiều hoàn cảnh hơn, chứ không làm như các bạn.” Thực ra mệnh đề tranh luận chính là làm từ thiện thế nào cho đúng? Cho hiệu quả? Nhưng đi xa hơn có lẽ chính là mâu thuẫn giữa tính hình thức và tính nội dung.

Nhóm phản đối các bạn trẻ ở trên có vẻ như tin vào tính nội dung, hay tính thiết thực, tính hiệu quả…cái này hoàn toàn tốt và không có gì sai. Cái sai nếu có nằm ở chỗ chỉ cho phép lựa chọn của mình là đúng, còn lựa chọn của người khác thì sai. Cái này hiện nay là bệnh rất nặng trong tư duy và tranh luận xã hội.

Tạm gán cách làm từ thiện của nhóm bạn trẻ trên mang nhiều tính hình thức, khi chú trọng tổ chức 1 sinh nhật có ý nghĩa cho 1 hoàn cảnh tuyệt vọng. Hình thức thì sao nhỉ? Ai có thể phán xét cái nào cần hơn cái nào, cái nào ý nghĩa hơn cái nào?

Hãy lấy 1 ví dụ. Khi dạy các lớp kỹ năng ở OISP, các thầy cô thường yêu cầu sinh viên khi đi học môn này ăn mặc lịch sự: áo trắng, quần tây, hay váy với nữ, và đi giầy. Đến ngày trình bày dự án cuối khoá, các em còn được khuyến khích mặc áo vét, đeo cà vạt. Hình thức hay nội dung? Ban đầu là hình thức, chuyển hoá dần thành nội dung. Ban đầu là mình lịch sự với mọi người, rồi thành mình lịch sự với chính mình. Hình thức và nội dung chuyển hoá và hoà vào nhau.



Hiểu được hai cặp đối lập này trong tư duy và tranh luận thì lời nói khi trang luận khi đặt vấn đề, khi kết luận cũng hài hoà, cân đối, dư luận cũng tâm phục khẩu phục. Ngoài 2 cặp này, các bạn có thể chú ý thêm đến các cặp: rộng và hẹp, cá biệt hay toàn thể, phương tiện và cứu cánh.

Tranh luận không phải để đi đến ai đúng, ai sai, mà rất nhiều khi là để cùng nhìn rõ hơn sự vật từ nhiều cách tiếp cận và cuối cùng là để thưởng thức những thứ khác biệt mà chúng ta chưa từng được thưởng thức. Thế nên tranh luận xong thì vui, còn cãi lộn xong thì tức!


  1. Nhiều bạn nhỏ cứ cho là mình trung thực, khẳng khái khi nói “thấy sao nói vậy, người ơi!”. Thực ra nếu không suy ngẫm cho kỹ, đủ các góc cạnh, mà chủ quan phán bừa thì toàn là “thấy vậy mà hổng phải vậy, à nha!”

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn