“Thuận theo tự nhiên” là cách sống của người trí tuệ

 Mậu Thìn - Tục ngữ nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Trong cuộc sống, rất nhiều khi cưỡng cầu mong có được thì lại bị mất đi, giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì nó rơi càng nhanh. 


Cổ nhân nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”, bởi vậy hết thảy sự tình trong cuộc sống thuận theo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất. Con người sở dĩ phiền não phần lớn đều là vì lo được lo mất, hoặc là canh cánh trong lòng một số sự tình nào đó. Người ta thông thường đều là ở trong cường điệu bản thân quá mức hoặc truy cầu quá nhiều rồi không đạt được mà đánh mất đi sự khoái hoạt, tường hòa vốn có, mà rơi vào đau khổ.

Mọi việc không cần phải cố ý đi thể hiện, dùng tâm thái bình thản, tự nhiên để xử lý các sự tình trong cuộc sống, hết thảy thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu khi gặp khó khăn, tìm không ra phương pháp giải quyết tốt nhất, chúng ta nên để nó thuận theo tự nhiên.

Có câu chuyện kể rằng, thời xưa có một vị thư pháp nổi tiếng đến một ngôi chùa cổ kính theo lời mời để viết một bức hoành phi. Lúc ông ngồi viết, một người học trò đi theo ông ngồi bên cạnh và mài rất nhiều mực. Đồng thời, với mỗi bức mà thư pháp gia viết, người học trò này đều thẳng thắn đưa ra những ý kiến đánh giá. Sau khi viết xong một bức, người học trò của ông nói: “Thưa thầy! Bức này viết không đẹp!”

Mỗi một bức mà thư pháp gia viết, người học trò của ông đều cảm thấy không hài lòng, cho rằng ông chưa thể hiện ra hết thực lực của bản thân. Vị thư pháp gia viết rất nhiều bức, nhưng người học trò đều có chung một nhận xét: “Bức này so với bức trước còn xấu hơn!” 

Vị thư pháp gia nén lòng viết đến 84 bức mà vẫn không nhận được lời khen ngợi của người học trò. Cuối cùng, người học trò của ông có việc đi ra ngoài, ông nghĩ thầm: “Lần này ta cuối cùng cũng tránh được ánh mắt lợi hại của cậu ta rồi!” Thế là vị thư pháp bình tâm tĩnh khí, viết một bức với tâm thái vô cùng thoải mái tự nhiên, không để tâm đến kết quả ra sao. Quả nhiên, sau khi người học trò quay trở lại phòng, nhìn thấy bức hoành phi, liền thốt lên: “Thật sự là một kiệt tác!”

Bởi vậy có thể thấy, phàm là việc gì, khi làm mà canh cánh trong lòng mong muốn đạt được kết quả như ý thì thường lại bị thất vọng. Không cầu, thuận theo tự nhiên mà làm, tự nhiên lại đạt được kết quả như ý. Đây chính là điều mà cổ nhân nói: “Không cầu mà tự được”.

Thái Tương là nhà chính trị, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông có một bộ râu rất rậm nên mọi người thường gọi ông là “Mỹ nhiêm công”. Tống Nhân Tông rất thích bộ râu của Thái Tương nên có một lần hỏi đùa ông rằng: “Không biết ban đêm khi ái khanh ngủ, chòm râu này đặt ở trong hay ở ngoài chăn bông?”

Thái Tương nghe thấy câu hỏi này thì giật mình vì chính ông cũng chưa bao giờ để ý đến điều đó. Vì thế, ông không thể trả lời được.

Đêm đó, khi Thái Tương ngủ, ông hết đặt chòm râu ra ngoài chăn rồi lại cho vào trong chăn. Cuối cùng, cả đêm ông không ngủ được vì không biết nên đặt ở trong hay ở ngoài cho thích hợp nhất.

Về sau, ông mới tìm ra được đáp án tốt nhất, đó là lúc bình thường căn bản không cần để ý, râu ở bên trong chăn hay ở bên ngoài chăn, hãy để nó thuận theo tự nhiên là hơn hết.

Kỳ thực, con người ngủ như thế nào, thức dậy như thế nào đều là việc rất tự nhiên. Nếu trong lòng có chấp nhất, gượng ép thì lại thành ra trái với tự nhiên. Một khi đã trái với tự nhiên thì làm sao có thể có được sự thoải mái?

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, một con chó nhỏ không ngừng chạy vòng quanh mà đuổi theo cái đuôi của mình. Sau một hồi chạy đuổi như thế, sức cùng lực kiệt, nó nằm dưới đất thở hổn hển. Bỗng có một con chó lớn đi qua, hỏi nó đã xảy ra chuyện gì. Con chó nhỏ đáp: “Một người bạn đã nói cho tôi biết, nếu tôi có thể đuổi được cái đuôi của mình thì tôi vĩnh viễn có được hạnh phúc và khoái hoạt. Cho nên, tôi mới đuổi theo cái đuôi của mình mà bị sức cùng lực kiệt như thế này.”

Con chó lớn thở dài một tiếng rồi nói: “Lúc ta còn trẻ, cũng được nghe qua người khác nói như vậy, ta cũng làm như vậy mà sức cùng lực kiệt giống như ngươi bây giờ. Nhưng khi ta theo đuổi khoái hoạt và hạnh phúc thì nó lại vĩnh viễn không ở trước mặt ta. Trái lại, khi ta không tận sức truy đuổi, hết thảy đều để thuận theo tự nhiên mới phát hiện ra rằng hạnh phúc và khoái hoạt nguyên là ở phía sau, ngày đêm đi theo ta.”

Hạnh phúc và khoái hoạt là một phần của cuộc sống, chỉ là rất nhiều người thế gian không biết thưởng thức như thế nào. Rất nhiều người mỗi ngày đều truy đuổi danh lợi, địa vị và hưởng thụ vật chất khiến tinh thần mệt mỏi sức lực cùng kiệt mà vẫn không đạt được niềm hạnh phúc và khoái hoạt thực sự.

Người ta không biết được rằng rất nhiều thứ trong cuộc sống chỉ có thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được, cưỡng cầu là không thể được và khoái hoạt cũng là như vậy. Cảnh giới cao nhất của nhân sinh chính là không cầu mà được. Phàm là việc gì cũng không nên cố ý cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, tùy ngộ mà an, vận khí tốt và hạnh phúc sẽ thuận theo đó mà đến.

An Hòa

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn